Định nghĩa Bản ngã là gì?
Bạn đã biết Bản ngã là gì chưa nào?
Chúng ta biết những giây phút thoát trần tuyệt vời: khi mà bản ngã không còn hiện diện, lúc mà mọi cảm thức nỗ lực, nỗ sức không còn xuất hiện trong ta nữa; và tâm thái này chỉ xảy đến khi tình yêu thoáng hiện trong lòng người.
Bài viết của Jiddu Krishnamurti (1895-1986), một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần người Ấn Độ.
Bản ngã có nghĩa là lý tưởng, ký ức, kết luận, kinh nghiệm, những hình thể đa dạng của những ý định hữu danh và những ý định vô danh, nỗ lực ý thức muốn được hiện thể hay không hiện thể, ký ức tích lũy của vô thức, vô thức chủng tộc, vô thức bè phái, cá thể, bộ lạc và trọn vẹn tất cả những thực thể vừa kể, kể cả những gì được thể hiện và phóng hiện ra bên ngoài trong hành động hoặc phóng hiện ra bình diện tâm linh như là nhân đức; sự nỗ lực cố gắng thực hiện những điều vừa nêu chính là bản ngã.
Sự cạnh tranh, lòng khát vọng muốn được hiện thể cũng là bản ngã nữa. Trọn vẹn tiến trình vừa kể chính là bản ngã; mỗi khi chúng ta đối mặt với bản ngã chúng ta ý thức thực sự rằng bản ngã là một sự thể bất thiện, tai hại, tàn ác, xấu xa. Tôi dùng tiếng “xấu xa” một cách cố ý, bởi vì bản ngã luôn luôn phân hóa chia rẽ mọi sự; bản ngã luôn luôn bưng bít đóng nhốt : những sinh hoạt của bản ngã, dù có tôn nghiêm cao quý đến đâu đi nữa, cũng chỉ gây ra sự phân ly và sự cô lập. Chắc hẳn chúng ta biết rõ tất cả những điều này. Chúng ta lại cũng thừa biết những giây phút thoát trần tuyệt vời : khi mà bản ngã không còn hiện diện, lúc mà mọi cảm thức nỗ lực, nỗ sức không còn xuất hiện trong ta nữa; và tâm thái này chỉ xảy đến khi tình yêu thoáng hiện trong lòng người.
Phản ứng, đáp ứng lại một điều mình thấy, đó chính là kinh nghiệm. Khi tôi nhìn thấy ngài, tôi phản ứng lại; định danh cho phản ứng ấy là kinh nghiệm. Nếu tôi không định danh phản ứng ấy thì nó không phải là kinh nghiệm. Hãy ngắm nhìn những đáp ứng riêng biệt của ngài và hãy ngắm nhìn những gì đang xảy ra nơi ngài. Không thể nào có kinh nghiệm được, nếu tiến trình định danh không xảy ra đồng lúc. Nếu tôi không nhận ra ngài, làm thế nào tôi có thể có được kinh nghiệm về việc gặp gỡ ngài? Điều vừa nói có vẻ đơn giản và chính xác. Không phải đó là một sự kiện hiển nhiên ư? Nói rõ hơn nữa, nếu tôi không phản ứng lại rập theo những kỷ niệm của tôi, tập theo bối cảnh qui định, rập theo những thành kiến của tôi, thì làm thế nào tôi có thể biết rằng tôi đã có một kinh nghiệm nào đó?
Thế thì những khát vọng đa dạng đã phóng hiện ra ngoài. Tôi khát khao muốn được che chở bao bọc, muốn được an ninh bên trong tâm hồn; hoặc tôi khát khao muốn có một bậc tôn sư, một đạo sư, một bậc thầy, một đấng thượng đế : rồi tôi có kinh nghiệm với điều tôi đã phóng hiện ra ngoài lòng khát khao dưới hình thức mà tôi đã đặt tên, rồi tôi phản ứng lại với hình thức hữu danh ấy. Đó chỉ là sự ngoại hiện phóng tưởng của tôi. Đó chỉ là sự định danh do tôi tạo ra. Lòng khát khao kia, sau khi đã đưa đến một kinh nghiệm cho tôi, bây giờ xui tôi nói đại loại như vầy “ tôi có kinh nghiệm”, “tôi đã gặp bậc đạo sư”, hay “tôi chưa gặp bậc Tôn Sư”. Các ngài hiểu trọn cả biến trình gọi danh, đặt tên một kinh nghiệm. Khát vọng, lòng thèm muốn, là cái mà các ngài gọi là kinh nghiệm, có phải thế? Khi tôi muốn được tâm trí tĩnh lặng, những gì đã xảy ra, khi tôi muốn thế? Cái gì xảy ra? Vì những lý do tạp nhạp nào đó, tôi thấy rằng tâm trí tĩnh lặng, trầm mặc là một điều quan trọng; chẳng hạn, bởi vì kinh nghiệm Upanishads đã dạy thế : những bậc thánh đã dạy thế, và thỉnh thoảng chính tôi cũng cảm thấy im lặng rất là quí, vì trí óc tôi cứ ba hoa lải nhải lắm chuyện suốt ngày. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy rằng tâm trí bình thản, trí óc trầm lặng là một điều tuyệt vời thú vị biết bao. Lòng khát khao nhóm dậy : muốn được thể nghiệm sự im lặng. Tôi muốn có được một bộ óc trầm lặng, vì thế tôi mới hỏi “ Làm thế nào tôi đạt được sự thanh thản trầm lặng ấy?” Tôi được biết quyển sách nào đó đã chỉ dạy về thiền định và đủ loại giới luật hành tác. Thế thì tự khuôn mình vào một kỷ giới luật tâm linh nào đó, tôi tìm cách thể nghiệm sự im lặng. Thế là bản ngã, cái “tôi” đã tự củng cố, an định, ở lỳ luôn trong kinh nghiệm về im lặng.
Tôi muốn hiểu bản tính của chân lý; đó là lòng khát vọng, lòng ao ước của tôi; rồi đi theo sau đó là sự phóng hiện của tôi về những ý niệm ấy; tôi đã nghe nhiều người nói về chân lý. Tôi muốn thể nhập tất cả những gì kinh điển đã dạy. Thế thì những gì xuất hiện? Chính lòng ham muốn ấy, chính lòng khát khao ấy đã được phóng hiện ra ngoài, và tôi thể nghiệm bởi vì tôi tri nhận chính trạng thái phóng hiện ấy. Nếu tôi không tri nhận trạng thái ấy, tôi sẽ không gọi nó là chân lý. Tôi tri nhận trạng thái ấy và tôi thể nghiệm trạng thái ấy; chính kinh nghiệm ấy tăng trưởng bản ngã, tăng trưởng cái “tôi”, có phải thế không? Do đó bản ngã trở thành bị bủa vây đóng kín trong thành lũy của kinh nghiệm. Rồi lúc ấy ngài mới nói “tôi biết”, “đấng Đạo Sư xuất hiện”, “Thượng đến hiện hữu” hay “Thượng đế không hiện hữu”; ngài mới nói rằng một ý thức hệ chính trị cá biệt nào đó đã đi đúng đường và tất cả những ý thức hệ khác đều sai.
No comments: